Thày
giáo Phạm Văn Tuất là người có sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ
niệm 50 năm ngày thành lập Trường Cấp 2 Thục Luyện vào ngày 22 tháng 11 năm 2015
tại Nhà Văn hóa phố Hoàng Sơn
Các thày
giáo và những học sinh đầu tiên của trường đã hàn huyên ôn lại kỷ niệm về những
ngày xây dựng trường trong vùng núi rừng Suối Dòng thuộc xã Thục Luyện. Những ý
kiến phát biểu đã không khỏi làm mọi người xúc động về một thời nghèo khổ, gian
nan trong chiến tranh nhưng tình thày trò thì trong sáng, mộc mạc đơn sơ mà
thân thương, gần gũi và ấm cúng như anh em trong một nhà, chắc là nó khác xa
cái sự văn minh, hiện đại thời bây giờ.
Ông Nguyễn Kim Văn, hiệu trưởng trường
Trung học cơ sở Thục Luyện cũng có ý kiến phát biểu. Ông trình bày về sự tiếc
nuối bởi mới về làm hiệu trưởng trường này nên chưa có sự chuẩn bị để tổ chức
buổi gặp mặt kỷ niệm, ông thực sự tỏ lòng tôn kính đối với các thầy giáo tiền
nhiệm và trân trọng những kỷ niệm về tình thày trò khi xưa, ông ngỏ ý muốn xin
được đăng cai buổi gặp mặt vào năm sau. Cuối lời phát biểu, ông đã trân trọng
tặng hoa cho buổi gặp mặt. Ban tổ chức buổi gặp mặt cũng đã tặng lại những tấm
ảnh đen trắng chụp kỷ niệm thày giáo và học sinh từ những ngày đầu thành lập
nhà trường cho Trường Phổ thông Trung học Thục Luyện do ông Văn thay mặt nhà trường tiếp nhận.
Sau đó thày trò cùng trao đổi về việc duy
trì liên lạc với nhau, đặc biệt là việc tổ chức gặp mặt theo định kỳ. Qua ý
kiến trao đổi đã thống nhất tạm cử thấy Phạm Văn Tuất làm trưởng Ban liên lạc,
các thành viên Ban Liên lạc gồm ba người đại diện cho ba lớp năm, sáu, bảy. Năm
2016 sẽ tổ chức Hội trường với quy mô lớn hơn và thống nhất về định kỳ tổ chức
gặp mặt. Buổi gặp mặt ngày hôm nay cũng mới chỉ là khởi phát trong phạm vi hẹp.
Vào những năm 60 thế kỷ trước, huyện Thanh
Sơn chỉ có một trường cấp 2 học vào ban đêm, địa điểm tại trường Nội trú Dân
tộc ngày nay. Do chiến tranh cần sơ tán để đảm bảo an toàn, Trường cấp 2 Thanh
Sơn được chia ra làm hai trường. Trường Cấp 2 Sơn Hùng về Hùng Nhĩ, Trường Cấp
2 Thục Luyện về Suối Dòng. Gọi là trường học nhưng thực chất chỉ là ba cái nhà
lán dựng bằng cột gỗ lợp phên nứa làm lớp học, một cái lán cho thầy ở và ba cái
lán cho học sinh ba lớp dưới tán cây rừng. Nhưng cũng có một thuận lợi là bấy
giờ rừng nguyên sinh còn đại ngàn, thày trò chỉ cần đổ mồ hôi, công sức ra là
có thể thành trường lớp, nhà cửa. Thày Chử Trắc Trinh ôn lại kỷ niệm khi dựng
nhà, một cây xà gỗ đổ vào đầu em Đinh Văn Chung quê Thạch Khoán, em này gục
ngay tại chỗ, lúc ấy thầy nghĩ không khéo mình phải vào tù vì lỗi sơ xuất này.
Nhưng may rồi en Chung lại tỉnh và sức khỏe phục hồi. Bây giờ thì em Chung đã
thành liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vũ Thị Lâm lại nói chuyện ngày
xưa xem trộm nhật ký của thày chủ nhiệm, ra bờ suối, góc rừng túm năm tụm ba
thì thụt kể cho nhau nghe rồi cùng cười tung tóe...Rất nhiều kỷ niệm của mọi
người về một thời gian khố ăn ở cùng nhà lán vách thưng, rau rừng cá suối...
Còn tôi, tôi nhớ không bao giờ có thể quên được về ngày thành lập trường. Ngày
ấy, tôi mới sơ tán theo mẹ từ Sơn Tây lên ở Văn phòng bộ Lâm trường Đồi Dòng
thuộc địa phận xã Cự Thắng. Cứ 2 giờ chiều tôi sách cây đèn bão đổ đầy một phao
dầu hỏa đi xuống trường. Nhà cách trường 8 km gọi là Quốc lộ nhưng thực chất chỉ là một con
đường cấp phối nhỏ tý gập ghềnh những đá chạy giữa hai bên là bạt ngàn rừng
nguyên sinh. Đi bộ phải mất 2 giờ đồng hồ nên học xong, sách cây đèn soi đường
về nhà với một cậu bé 13 tuổi nghe đủ các thứ âm thanh của núi rừng từ tiếng
suối ầm ào, tiếng gió rung cây xào xạc đến tiếng chim hót, cú kêu,, hoẵng gọi
bầy, chó sói hú...rồi nhìn thấy hình thù những cây cối bị dây leo phủ kín hai
bên đường lù lù, nhập nhoạng như những bóng ma thì chỉ biết cắm đầu, bịt tai mà
đi cho nhanh về nhà. Hôm nào cũng vậy, về đến nhà là 2 giờ sáng và hết
trọnmột phao dầu. Đi học được nửa tháng
thì hôm ấy hết dầu, lại chưa đến đợt phân phối, tôi có cớ nghỉ học rồi thì nghỉ
luôn nửa tháng không tới trường. Không phải là con em nông dân nên ở nhà chả
biết làm gì, nhà thì ở tít trong một góc rừng lại mới đến nên chẳng có bạn bè.
Buồn quá,, thế là lại sách đèn bão đến trường. Đúng vào ngày chia trường, học
sinh được xếp hàng theo từng lớp ngồi bên dưới, bên trên được kê một cái bàn
nhập nhòe ánh đèn dầu, có một thấy giáo đọc danh sách các học sinh phân chia về
hai trường. Khi thầy đọc xong, tôi không thấy được xướng tên mình bèn chạy lên
gặp thầy giáo hỏi:
-Thưa thấy không biết em về trường nào?
-Nhà em hiện giờ ở đâu?
-Dạ nhà em trên xã Cự Thắng!
-Em tên là gì?
-Thưa thày, em là Nguyễn Đức Sơn
Thày giáo quay
sang thày ngồi bên cạnh nói:
-Ghi tên em Nguyễn Đức Sơn vào danh sách trường Thục
Luyện.
Thế là hôm sau, tôi lại cùng các bạn khiêng bàn ghế, vật dụng của nhà
trường trèo Dốc Đâm vào Suối Dòng. Nếu tôi đi học trước một ngày thì sẽ phải
làm bản kiểm điểm, tường trình vì đã bị gạch tên khỏi sổ đầu bài và trong
trường hợp ấy chắc cũng sẽ bỏ học luôn. Nếu tôi đi chậm lại một ngày thì chẳng
biết trường học ở đâu nữa mà đến. Và thế là sẽ thành kẻ thất học với trình độ
lớp 6. Không biết có phải số mệnh hay không mà rồi cuối cùng tôi cũng đã được
ăn học đến nơi đến chốn để trở thành một giám đốc Công ty Nhà nước, rồi là Nhà
văn như ngày hôm nay. Phải chăng số mệnh đã run rủi, xui khiến tôi đi học lại
vào đúng cái hôm chia trường hay còn gọi là ngày thành lập trường Cấp 2 Thục
Luyện, ngày 22 tháng 11 của 50 năm về trước. Và thày giáo đối thoại với tôi rồ
nói với thầy bên cạnh ghi tên tôi vào danh sách trường Thục Luyện là thầy Hà
Đình Phong, một trong bốn thày giáo đầu tiên của trường cũng có mặt trong ngày
kỷ niệm.
Khi ngồi viết lại những dòng này, tôi lại
mường tượng ra hết thảy những gương mặt của thầy giáo, cô giáo và bạn bè đồng
môn ngày ấy. Cô giáo Lộc giờ không biết ở đâu, Thầy Bảo chủ nhiệm cách đây
khoảng 7 năm tôi và chị Lựu có đến thăm thầy thấy hoàn cảnh thầy khá vất vả, thầy
sống trong một ngôi nhà nhỏ tại một góc rừng bạch đàn heo hút và mới đây tôi được
biết thầy đã về cõi vĩnh hằng một hai năm trước. Bạn bè có người thành đạt, có
người gieo neo, có người hạnh phúc nhưng cũng có người bất hạnh. Đặc biệt, có
nhiều bạn đã vĩnh viễn bước vào lịch sử ở trang máu lửa những năm kháng chiến
chống Mỹ cứu nước trở thành liệt sĩ được Tổ quốc ghi công như anh Chung, anh
Sức, anh Việt..vân...vân....Và chúng tôi giờ đây, quỹ thời gian đâu cũng còn
được bao nhiêu. Thế hệ học sinh được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa khi xưa nay đã thành lỗi mốt, cách nghĩ, cách
làm không theo kịp thời đại bây giờ. Nhưng chúng tôi vẫn một lòng một dạ, chung
thủy với những gì đã được thầy giáo, cô giáo bảo ban.Thời gian dẫu còn dài hay
ngắn, chúng tôi vẫn say sưa, mải miết nhả những sợi cuối cùng của con tằm rút
ruột kéo kén cho đời bằng tâm thức, bằng tri thức các thầy cô truyền dạy và
bằng ý thức hệ mà chúng tôi đã được giáo dục, tôi luyện dưới mái trường tranh
tre nứa lá mà thoắt cái đã năm mươi năm rồi, ngày ấy!