quang cao
  Tin tức
  Thống kê truy cập
Đang truy cập
Lượt truy cập
  ĐẠI GIA PHỐ NÚI

ĐẠI GIA PHỐ NÚI

Đắc Phượng

                              ĐẠI GIA PHỐ NÚI BÂY GIỜ

                                                      Truyện ngắn

      Tuấn là lớp cán bộ thành đạt, từ sau những năm Liên Xô sụp đổ. Từ bí thư xã đoàn, vươn lên thành phó chủ tịch, chủ tịch, bí thư Đảng ủy xã. Rồi làm phó chủ tịch huyện. Nhờ chính sách Đảng viên làm giàu. Anh phất lên như diều gặp gió. Sơ sơ đến vài chục tỷ trong tay. Ngoài hai nhà máy sản xuất gỗ bóc ra, còn vài chục ha đồi rừng, trồng cây lâm nghiệp. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập sấp sỉ cả tỷ đồng.

        Có tiền, Tuấn lo cho con ăn học đầy đủ, đứa nào cũng học giỏi, thi đậu đại học. Vợ Tuấn hàng ngày trong coi, chăm sóc nhà máy, đồi rừng. Rảnh thời gian, cùng mấy chị em, bạn bè, đi Spa làm đẹp. Dùng toàn hàng hiệu, càng ngày, càng trẻ trung xinh đẹp. Trông chẳng khác gì các chị ngoài thành phố. Vừa rồi, Tuấn mua cho vợ chiếc xe hiệu Huyndai, hai cánh màu đỏ thật đẳng cấp. Cả phố huyện, ai cũng lác mắt trầm trồ. Mấy bà hàng xóm, chồng hay tụ tập rượu chè. Vợ mấy anh lính hết nghĩa vụ, chạy xe ôm, cứ nhìn vợ chồng Tuấn so sánh. Mỗi khi gia đình có chuyện, là đem hình ảnh nhà Tuấn ra đay nghiến. Cũng là đàn ông, hai chân hai tay, sao chồng người ta tài giỏi thế. Đằng này, chồng mình suốt ngày rượu chè bí tỷ. Người ta làm ông nọ, ông kia, cho vợ con được nhờ. Chồng mình chỉ mỗi việc chạy xe ôm. Đêm về lăn ra ngủ, chẳng biết trời đất là thế nào cả. Vv và vv..

     Chuyện gia đình Tuấn chỉ thế thôi, cũng chẳng nhiều điều đáng nói. Cán bộ bây giờ, ai chẳng biết làm giàu. Nhà nào chả có của ăn của để, người vài ba ô đất đẹp ở thành phố, người làm vài chục ha rừng. Rồi trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Chí ít cũng có rau xanh, lợn sạch, gà đồi mà ăn. Ở thành phố bây giờ, ăn gì cũng không an toàn. Này tăng trọng lợn gà, này thuốc kích thích tăng trưởng, giãn mô rau xanh. Thôi, cứ nuôi trồng lấy mà ăn là tốt nhất.

     Được trên quan tâm, cho cán bộ cấp huyện đi Trung Quốc, học tập mô hình quản lý bên đó. Về áp dụng vào hoạch định chính sách tại địa phương. Tuấn hăm hở chuẩn bị tài chính lên đường. Quần áo thì khỏi lo, dùng đến đâu, mua đến đấy. Anh chỉ mang theo ít đồ dùng cá nhân nhẹ nhàng. Trong khi các cán bộ khác lỉnh kỉnh nhiều thứ, ra máy bay chết tiền cước.

      Đoàn sang Quảng Đông, Thâm Quyến, TP Bắc Kinh. Cuối cùng là Thượng Hải. Đến đâu cũng được đón tiếp trọng thị. Khách sạn sạch đẹp lắm, không như ở bên mình. Trang thiết bị trong phòng sang trọng, đầy đủ. Họ thiết kế những ổ cắm, công tắc điện rất hợp lý, trên giường với tay là dùng được. Thậm chí, bên ngoài có người gọi cửa, nằm trong phòng, biết ngay ai đang đến. Sau khi tham quan một lượt các mô hình, Đoàn chủ nhà mời thăm các khu mua sắm. Người bán hàng ở đây tận tụy lắm. Họ giới thiệu tỷ tỉ đến từng chi tiết mặt hàng. Hướng dẫn cách sử dụng đầy đủ, chu đáo. Ai cũng mua bằng được nhiều thứ. Chẳng còn ngại khi về nặng cước phí nữa.

       Xa gia đình dài ngày, ăn uống toàn của ngon vật lạ. Sức khỏe có phần tăng lên. Sự hưng phấn mỗi ngày thêm rạo rực. Đến khu ăn chơi, hướng dẫn viên ghé tai từng người mách nhỏ.

        Tiền nhiều, bản tính người đàn ông, nhất là người đàn ông thành đạt thức dậy. Tuấn lấy phòng tắm rửa, rồi chờ người phục vụ tới. Có tiếng gõ cửa, nhìn qua màn hình, Tuấn thấy một cô gái ăn mặc đẹp, đúng chất Trung Hoa. Anh mời vào, cô gái có dáng cao ráo, nước da trắng mịn màng. Làn môi lướt qua chút son thôi, mà rực rỡ lắm. Hai gò má ửng hồng trong ánh đèn neon xanh leo lét. Thoáng vẻ ngượng ngùng trên khuôn mặt. Cô ra hiệu cho Tuấn cởi hết đồ ra. Rồi tự tay cởi dần dần trang phục của mình. Trời, sao có người đẹp đến thế ? Mọi thứ trên cô toát lên vẻ đẹp lạ lùng. Tuấn ngơ ngẩn như người vừa từ trên trời rơi xuống. Anh nhìn suốt từ chân lên đến đầu, rồi lại từ đầu xuống chân, như bị thôi miên. Đến nỗi, cô gái giật giật vào tay, mới bừng tỉnh. Cô chủ động vuốt ve khắp người Tuấn, làm anh đê mê. Khí chất đàn ông trong người, như con mãnh thú bừng tỉnh. Lao vào cô như điên như dại, nhấc bổng lên xoay ngang xoay dọc, ngắm nghía kỹ lưỡng, như ta chọn mua một món hàng. Rồi anh đặt cô gái xuống tấm ga trắng muốt, bắt đầu thực hiện việc ấy. Trong lúc cuồng yêu, Tuấn cắn mạnh vào vai cô.  “Ái đau !”. Anh bật ngửa, nhìn cô chằm chằm.

-        Em là người Việt? Tuấn hỏi .

-        Vâng, em là người Việt, mới sang đây mấy tháng nay!

-        Sao không nói từ đầu?

-        Tưởng anh người Trung Quốc!

-        Thế quê em ở đâu?

-        Thôi anh, đừng hỏi quê em làm gì, biết gặp nhau ở đây là đủ!

Tuấn càng gặng hỏi, cô càng lảng tránh.

      Xong việc ấy, còn thời gian. Tuấn mời cô gái ngồi lại “tâm sự”. Dù khôn ngoan đến mấy cũng là phụ nữ. Tuấn khéo gợi chuyện lắm, kỹ năng của một thủ lĩnh phong trào.

     -Trẻ đẹp như thế này, em có thể tìm một công việc nào đó. Hoặc ít ra, cũng chọn cho mình một Đại gia, để mà nương tựa. Sao lại phiêu bạt xứ người, làm cái nghề này?

      Cô khóc sướt mướt như thể chưa được khóc bao giờ. Tuấn giúi vào ngực cô năm trăm tệ. Cô càng khóc to hơn, Tuấn bối rối dỗ dành:

   - Hay em bỏ làm việc này đi, về bên nhà, anh lo cho em một nơi ở, một công việc nhẹ nhàng. Làm nghề này nó bạc lắm, sắc đẹp tàn phai mau. Về già bệnh tật thì khổ. Còn trẻ, chẳng lo cho tương lai, sau này biết thế nào. Nhà anh có điều kiện, còn đang công tác, em yên tâm. Chỉ cần giữ kín là ok tất!

   Cô gái ngẩng phắt mặt lên:

   - Anh ạ! em cám ơn anh đã quan tâm, và lo cho em. Nhưng nếu sau này, có chuyện gì xảy ra, anh có chịu nổi không? Bởi em là con đĩ. Rồi tiếng tai, ảnh hưởng đến công việc của anh. Vợ con, gia đình anh nữa, cuộc sống không đơn giản đâu anh!

    Tuấn choáng váng, như vừa bị ai đó đập gậy vào đầu, yếu ớt nói:

    - Em yên tâm đi, anh đã chấp nhận, thì không còn vấn đề gì. Em đồng ý hay không thôi!

    - Anh ạ! Gặp nhau chưa đầy một tiếng, thậm chí tên em, tên anh, quê quán của nhau, chưa ai biết. Anh quyết định nhanh như vậy sao?  Nói thật với anh! Đừng bao giờ tin, hy vọng vào những đứa con gái làm đĩ như em. Dù hôm nay nó có bỏ nghề, thì ngày mai, ngày kia, nó sẽ lại đi thôi. Như mấy thằng nghiện ma túy, không bỏ được đâu.

      Lời của cô, như những gáo nước lạnh, liên tục dội vào đầu Tuấn. Nhưng hình như càng dội, lại càng thôi thúc anh hơn. Tuấn cho cô xem Paspo, và rất nhiều giấy tờ liên quan khác. Cô dần bớt gay gắt.

     - Quê em ở một xã miền núi của tỉnh trung du Bắc bộ. – Giọng đều đều, cô bắt đầu kể - Bố mẹ lấy nhau không đăng ký kết hôn. Năm em hơn một tuổi, bố bỏ nhà đi đâu không rõ. Nuôi em lên năm, mẹ gửi ông bà ngoại, rồi sang bên này làm thuê, và lấy chồng. Chồng bà là người đàn ông góa vợ, già ngang tuổi ông ngoại. Có một đàn con cháu đông đúc, bốn đời ở với nhau, vì nghèo quá, chưa ai ra ở riêng. Được sáu năm thì ông ấy mất. Người con trai cả ông ta, vợ bỏ đi mất tích đã lâu. Bố mất, bắt mẹ em làm vợ luôn. Mấy năm sinh thêm được ba đứa con. Từ đó, mẹ không bao giờ được về nhà nữa.

         Ông bà ngoại già mất. Ở với cậu mợ một thời gian, học hành chẳng đến đầu đến đũa. Xin việc đâu cũng đòi hỏi bằng cấp. Thế là không xin được việc, em ra thành phố làm thuê, khi thì rửa bát, khi bưng bê ở quán café. Khi đi quán bia, làm để kiếm sống, làm để mong thay đổi cuộc đời. Làm quên ngày quên đêm, miễn sao có việc là được.

    Cuộc đời, ai học hết chữ ngờ hả anh! Năm thứ hai đi làm, em xin vào một quán café, nổi tiếng đông khách ở thành phố. Hàng ngày làm từ bảy giờ sáng, mười một giờ đêm mới nghỉ. Tuy công việc trong nhà, nhưng chạy đi, chạy lại cũng mệt lắm. Thỉnh thoảng gặp người trêu ghẹo. Cáu giận thì chủ mắng, không thì bực mình hậm hực. Thấy nét mặt không tươi, chủ cũng mắng, họ bảo làm thế là đuổi khách. Đành giả bộ cười cười, chứ trong lòng buồn lắm. Mà lạ thật, con gái quê, người gầy nhom nhom, đen nhẻm. Làm việc cả ngày đến tối như thế. Chẳng hiểu sao, da em mỗi ngày mỗi trắng, người đẫy lên. Mặc đồng phục, mọi người cứ khen đẹp. Không ít đàn ông buông lời tán tỉnh. Em chẳng dám để tâm, mình con nhà nghèo, ở miền núi, ước mộng gì cao xa.

          Dạo ấy, có một anh cao to, đẹp trai. Da trắng hồng hào, môi đỏ chon chót như con gái, cặp mắt đen láy dưới đôi lông mày rậm. Trán cao vuông vức, mái tóc hơi soăn dày, hớt cao. Râu quai nón luôn được cạo sạch, chỉ mờ mờ những chân lông.  Càng tôn lên vẻ đẹp của đàn ông. Dáng phong trần, và thư thái. Hàng ngày, cưỡi xe phân khối lớn đen bóng, đến uống café. Khi một mình, lúc vài người, toàn trai xinh gái đẹp. Thỉnh thoảng anh ta trêu đùa, lúc quán vắng, chủ động tới gần gợi chuyện. Ban đầu em không để ý, dần rà đâm ra thinh thích. Hôm nào anh không đến, cảm thấy mong mong, nhớ nhớ thế nào ấy. Khi đã quen hơn, anh mời đi ăn tối. Ở nhà hàng, làm việc khuya nên em từ chối.

       Một hôm, anh xin chủ quán cho nghỉ sớm, rồi lái xe vòng vèo, đưa em đi khắp các phố. Từ ngày về đây, đã bao giờ đi được đến đâu, nên cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp. Anh ấy đưa em vào siêu thị, mua tặng một chiếc áo dài mùa lạnh, một đôi giầy cao gót thời trang, đẹp lắm. Bắt em diện ngay để anh ngắm. Anh xoay đi xoay lại, kéo lên kéo xuống mãi mới ưng. Lúc trả tiền, em hỏi bao nhiêu, anh bảo tiền không phải việc của em. Ăn tối xong, di dạo một vòng nữa. Sau khi vào thăm nơi trọ của em, anh ấy ra xe về thẳng. Em tần ngần đứng nhìn theo mãi, anh lẫn hẳn vào dòng người đông ngịt mới thôi. Cả đêm ấy em không tài nào ngủ được, nhắm mắt vào là hình bóng anh hiện ra. Sao có người tốt đến thế ???

       Thời gian trôi qua, tình yêu đến lúc nào em không nhớ. Hàng ngày anh chăm đến với em hơn. Lo cho em từng tí, tìm chỗ trọ cho em gần, đi lại thuận tiện hơn. Anh trang trí căn phòng nhỏ, đẹp đẽ và ấm cúng lắm. Dự định đưa về thăm bố mẹ anh, và gia đình em, rồi xin làm đám cưới. Em thấy hạnh phúc vô cùng, tin tưởng trao cho anh tất cả. Em vẫn đi làm ở quán, tối về sớm hơn, bởi nhiều hôm anh nghỉ luôn tại đấy.

         Một chiều anh gọi điện, bảo phải đi công tác phía Nam gấp. Vội  bay quá, không báo kịp cho em trước. Cứ ở nhà chờ đợi. Chẳng hiểu người ta đợi chờ như thế nào. Riêng em, cảm thấy thời gian sao dài thế, vắng anh một ngày, tưởng như mấy tháng. Ngày ngày, em chờ nghe tiếng xe anh phía đầu con ngõ nhỏ. Mong anh về, để được sà vào ngực, hít hít cái mùi cơ thể, thân quen kia biết nhường nào. Chờ mãi, chờ mãi, cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng buồn uống, người như trên mây, trên gió. Mấy chị trêu em mắc bệnh tương tư rồi.

         Tuần sau, anh trở lại, mang cho em rất nhiều thứ. Nào quần áo giầy dép, hoa quả. Từ bé có nằm mơ, em cũng không dám nghĩ tới. Nhẹ nhàng ôm em vào ngực, vuốt ve. Anh bảo những ngày xa nhau, anh nhớ em như ghê lắm. Trách em không giữ gìn sức khỏe, gầy mất mấy cân của anh rồi. Ôi chao, em hạnh phúc vô cùng anh ạ!

      Nghỉ ngơi mấy hôm, anh bảo chuẩn bị đi thăm bà con họ hàng. Đi xa, nên phải mang thêm ít đồ, có thể mất vài ngày đó. Em làm theo như một cái máy. Sáng hôm sau, anh lái chiếc xe ô tô màu xám bạc, cùng mấy người đến đón em. Trên xe, mọi người hỏi thăm, và nói chuyện vui vẻ lắm. Vào một thành phố rất đẹp, có những cây cầu nối hai bờ sông. Phía ngược dòng, những ngôi nhà to đẹp lắm. Họ viết toàn chữ vuông, như các đền chùa dưới xuôi. Chúng em vào nhà người họ hàng, như anh nói, lên đây kinh doanh đã lâu. Ăn uống xong, chiều rủ nhau sang bên kia mua sắm. Chủ nhà người ở đây, được đi đường tiểu nghạch. Họ bảo lãnh chúng em cùng đi.

      Đến chợ, mọi người đi loanh quanh mua sắm. Xong xuôi, vào quán ăn đồ Tàu. Ngẫu hứng, rủ nhau vào hát. Em vô tư đi theo. Vào quán, bia rượu thi nhau rót, nước ngọt, nước có ga mở liên tục. Họ uống rất khỏe, anh ân cần đưa lon nước ngọt tận miệng cho em. Cuộc kéo dài, em lịm đi lúc nào không biết. Mãi khi tỉnh dậy, thấy mình em trong căn phòng vắng lặng. Có bóng đèn nhỏ phía đầu giường. Bốn bề kín mít, em gọi chẳng ai đáp lại. Đầu quay cuồng như muốn ngã, lại nằm xuống mê man.

    

  Khoảng trưa chiều gì đấy, một phụ nữ mang cặp lồng cơm đến. Chị ta chẳng nói gì, lẳng lặng quay đầu đi. Em hết sức hoang mang, đập cửa kêu toáng lên, chẳng ai giúp gì. Tìm điện thoại gọi anh, nhưng tất cả bay đâu mất sạch.

      Thế rồi em ở đây, làm nghề này, cho đến hôm nay gặp anh. Mà thôi anh ạ! Em cảm ơn anh, đã có lòng thương em. Nhưng không thể được, họ đã mua bán qua tay nhiều rồi. Không tiền chuộc, còn mong chi có ngày về!   

   Nói rồi cô lại òa khóc.

   Mải nghe cô gái kể, tiếng chuông báo giờ reng reng.

   Tuấn sực tỉnh, rút năm trăm tệ nữa:

-        Em cầm lấy, anh sẽ tìm mọi cách đưa em về!

      Cô gái nhét vào tay anh mảnh giấy nhỏ, có ghi tên và số điện thoại. Rồi vội vã mở cửa đi ra. Ngoài đó, người đàn ông to khỏe, đầu trọc lốc, đang gườm gườm đứng đợi.

      Dọc đường về, Tuấn như người đi trên mây, chẳng định thần được. Đến khi taxi đưa vào tận sân khách sạn. Trong phòng, mọi người đang học chơi sâm, thay cho tiến lên, chơi ù ngày trước.

      Hết chuyến đi học tập bên này, Tuấn không còn tâm trí nào nghĩ gì khác, ngoài Xuân ‘ tên cô gái ấy’. Chờ khi rảnh Xuân sẽ gọi cho anh. Nghe Xuân kể về mình, sau lần gặp Tuấn, nỗi khát khao quê hương như thế nào. Anh mong ngày mong đêm, tìm cách thu xếp, đưa Xuân trở về như dự định.

       Chuyến công tác thành công tốt đẹp. Các thành viên trong đoàn, mua la liệt những quà, thứ mà trong nước lúc nào cũng sẵn có. Tiền vé máy bay tăng lên ngoài sức tưởng tượng. Ai nấy đều vui vẻ cả.

       Nghỉ ngơi vài hôm, chiều từ cơ quan về. Tự tay Tuấn nấu cơm, anh làm món mà vợ thích nhất. Thêm chút hương vị học được từ Tầu về, đợi vợ cùng ăn. Lâu ngày thấy chồng nấu nướng, lại đúng món sở trường, vợ anh vui lắm.

    Ăn xong, Tuấn mang một đĩa chuối chín thơm phức, để trước mặt bảo :

      - Nên ăn chuối sau khi ăn cơm, rất tốt cho tiêu hóa em ạ! Ở bên Tầu, bữa nào họ cũng dùng thế!

     Vợ, Tuấn càng vui, chồng mới ra nước ngoài ít ngày, mà học được nhiều bài hay thật. Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các cụ ngày xưa đã nói, cấm có sai. Thật bõ công phấn đấu sự nghiêp. Bõ công dành tiền cho chồng đi chuyến này.

       -Em này - Tuấn vào chuyện - Hai nhà máy sản xuất gỗ bóc nhà mình. Với mấy chục ha rừng nguyên liệu. Mấy năm nay, làm ăn có vẻ kém hơn trước thì phải?

      - Anh nói thế nào thế ? Kém là kém thế nào? Nếu không có nhà máy, không có rừng. Những thứ mua sắm nhà dùng như ô tô, đất cát này, nuôi con ăn học đại học này, ở đâu ra. Lại còn quan hệ này khác nữa, sắp bầu cử rồi đấy. Chẳng từ nhà máy, chẳng rừng. Dễ của trời ơi đất hỡi về nhà cả đấy ! - Vợ Tuấn giãy nảy - Anh chỉ biết mỗi việc, từ nhà đến cơ quan, từ có quan về. Nay cuộc họp này, mai cuộc họp khác. Nhiều hôm để vợ thui thủi một mình ở nhà, buồn chết không biết. Đã về muộn, lại còn say bí tỷ nữa. Có biết cái gì đâu, mà bảo kém chứ!

    -  Là anh nói, có vẻ thôi chứ, đã bảo kém đâu mà em! Tuấn dịu giọng, ngồi xích lại sát bên vợ. Ghé mũi ngửi mái tóc – Em gội gì mà thơm thế?

  Thấy chồng dịu ngọt, cử chỉ âu yếm. chị ta dịu giọng luôn.

     - Em tưởng anh chê em quản lý, khai thác kém hiệu quả chứ! Thật sự chả có nhà máy với rừng, nhà mình lấy đâu ra từng ấy thứ chứ. Thôi anh vào tắm đi, tối nay mình ngủ sớm nhé!  

      - Ô kê ! xin tuân lệnh!

   Tuấn đi vào rồi, như nhớ ra điều gì, anh quay lại.

      - Em này ! Anh nói ngay kẻo quên mất nhé! Nhìn vợ thăm dò.

      - Thôi nói nhanh rồi vào mà tắm đi ông ạ! Cứ ỡm ờ mãi!

       - Chuyến đi vừa rồi, anh thấy bên Trung Quốc họ có mô hình hay lắm. Anh đã hỏi kỹ, với hai nhà máy của mình, đủ điều kiện để đầu tư. Mình chỉ cần nâng cấp công nghệ thôi. Đi trước đón đầu bao giờ chả tốt. Đấy em xem, trước đây, cả khu vực này, có nhà ai làm gỗ như mình. Bây giờ đi đâu cũng thấy, nhà máy la liệt. Nguyên liệu dần cạn kiệt, hỏi rằng nhà máy sống được không? Rồi môi trường, rồi trăm thứ nữa. Tới đây, nhà nước có những quy định khác, quản lý chặt chẽ hơn, sẽ khó làm lắm đấy. Anh đi học tập về, là để thực hiện chính sách đó. Mình biết mà không lo làm trước đi, mai kia tụt hậu, chạy theo họ à ? - Ngừng một lát thăm dò vợ. Tuấn tiếp:

       - Anh định bàn với em thế này! Anh thuộc diện quy hoạch rồi. Con cái ra trường, mình lo công chức cho chúng nó, nó có việc làm của nó. Em quản lý nhà máy, sau này nâng cao công nghệ. Rất cần sâu sát, tỉ mỉ, mới khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn nguồn vốn được. Thế nên, anh bàn với em, mình bán một phần rừng đi. Lấy vốn đầu tư vào nhà máy. Chứ xe ô tô là phương tiện, không thể bán được, em cần phải đi đây, đi đó giao dịch chứ. Em nghĩ thế nào ?

Thấy vợ ngồi nghe, chưa phản ứng gì. Tuấn giục :

      -Em xem thế nào, bàn và quyết ngay còn kịp. Trong đoàn có nhiều ông chuẩn bị xong rồi, chỉ chờ xin chỉ đạo là lên đường đấy!

     - Để thư thư cho em nghĩ đã, làm gì mà giục cuống lên thế!

    - Anh cũng định để thư thư, nên từ hôm về, không bàn với em ngay. Nhưng mấy ông kia cứ giục.

    - Thôi, để mai tính đi anh, mình đi ngủ đã.

    - Ô kê, anh tắm đây. Em cũng nhanh nhanh lên tý nhé!

    Đêm hai người rủ rỉ tâm sự, Tuấn kể cho vợ nghe, những gì tai nghe mắt thấy trong chuyến đi vừa rồi. Kể về mô hình quản lý bên họ. Những dự án, kế hoạch thực hiện theo mô hình mới, sẽ được áp dụng ngay trong huyện nhà. Giọng anh phấn khích, làm chị vợ nôn nao không ngủ được.

     Sáng ra, vợ Tuấn nấu ăn, chờ chồng đánh răng rửa mặt xong, ngồi vào bàn. Chị thẽ thọt :

     -Anh à! Cả đêm qua em không ngủ được!

     -Sao vậy em?

    - Việc đầu tư mở rộng nhà máy, và bán rừng ấy!

    - Thế nào? Em sợ, không dám làm à? Tuấn chột dạ.

    - Không phải là không dám, mà em lo mình không làm được. Sợ đầu tư sai, lỗ vốn, mất bao nhiêu công sức bấy lâu, mới được bây giờ. Anh đã tính kỹ chưa?

     Tuấn mừng thầm, có biến chuyển.

    -Bằng chừng ấy năm kinh nghiệm. Cộng thêm đợt học tập thực tế vừa rồi. Anh đảm bảo thắng là cái chắc. Mai kia chả khối anh đến tham quan, học tập, mô hình nhà mình. Không khéo trở thành điểm, cho cả huyện, cả tỉnh cũng nên, chứ phải bỡn à! Em yên tâm. Anh tính đã sai bao giờ! Tuấn hưng phấn nói một mạch.

     - Thôi ăn sáng nào, hôm nay họp ngoài tỉnh, phải đi sớm một chút còn tranh thủ ý kiến các anh ấy! Trưa chắc không về. Em suy nghĩ kỹ nhé, chắc chắn thành công.

    Tuấn cúi xuống hôn vợ một cái thật dài.

      - Ghét cái mặt! Chị lườm yêu chồng.

      Rừng bán được rồi, giá lại cao nữa. Người ta tin tưởng vào ông phó chủ tịch huyện. Giấy tờ, sổ hồng, sổ đỏ đầy đủ. Cây dày, đúng kỳ thu hoạch, mà lộc của nhà ấy, không phát mới là chuyện lạ. Tiền chuyển trăm phần trăm, vợ chồng Tuấn hào phóng, ra hàng gần chục triệu. Bên bán, bên mua sởi lởi. 

     Để tiện giao dịch, Tuấn chuyển toàn bộ số tiền, vào tài khoản ngân hàng Quốc tế. Xin phép bí thư, lên tỉnh xin đi nước ngoài chữa bệnh. Từ ngày về nước, người anh cứ gầy đi, đêm thường hay giật mình, mất ngủ. Đi khám bác sỹ chưa biết bệnh gì. Chỉ ra nước ngoài mới mong phát hiện bệnh.

      Thuộc diện cán bộ nguồn, lãnh đạo hết sức quan tâm. Được sự đồng ý của trên, Tuấn mau chóng làm thủ tục xuất cảnh. Anh bay ngay sang Thượng Hải. Vào khách sạn lần trước, tìm số máy gọi cho Xuân. Nhưng, chỉ thấy tiếng Trung Quốc xí sáo. Bấm đi bấm lại nhiều lần, vẫn vậy. Tuấn nhờ người đưa đến khu ăn chơi nọ, hỏi thăm. Chẳng có thông tin gì, chỉ nhận được những cái nhìn lạnh lùng, đe dọa.

       Như người mất hồn. Từ ngày về, Tuấn không liên lạc được, vì mất sóng. Nay sang đây không gọi được, chẳng biết Xuân ra sao. Ngôn ngữ bất đồng, sẽ thế nào với những ngày còn lại, Nhờ phiên dịch dò hỏi tin Xuân. Được biết, anh về nước một thời gian. Xuân bỏ trốn, chủ chứa đang truy lùng rất gắt. Họ khuyên anh, đừng đến đấy tìm Xuân nữa, kẻo mang vạ.

       Lòng Tuấn ngổn ngang trăm mối tơ vò. Khi về, báo cáo thế nào với huyện, với tỉnh đây. Về ngay cũng dở, Tuấn thuê hướng dẫn viên, đưa anh quanh vài con phố. Vài cửa hiệu sắm đồ làm quà. Ít ngày sau, người này đến một bệnh viện, lấy kết quả khám bệnh như thật.

      Cả nhà vui mừng đón Tuấn. Tối hôm sau, anh lái xe đưa vợ đến thăm, cảm ơn. Báo cáo kết quả khám, điều trị, cho lãnh đạo biết, để các anh mừng.   

      Mọi việc cứ như định sẵn. Duy chỉ có rừng bán đi, nay không mua lại được. Vụ vừa rồi nhà nó thắng đậm, vợ chồng nhà ấy cảm ơn mãi. Thua keo này, bày keo khác. Tuấn nhờ môi giới, mua dây truyền ép ván xuất khẩu. Số tiền bán rừng, bán mấy ô đất, một số đồ quý trong nhà, vừa đủ. Trước đây, chỉ bóc gỗ, còn khâu ép ván, cả khu này chưa ai làm. Như vậy cũng đi tắt đón đầu rồi. Vợ anh không nghi ngờ vụ lấy cớ đi nước ngoài khám bệnh.

      Nhà máy đi vào sản xuất được một thời gian. Khách ra vào tơi tới, tiếng ta tiếng Tầu reo réo. Xe ta chở nguyên liệu đến. Xe Trung Quốc dài ngoằng, chở sản phẩm đi, suốt ngày tấp nập. Con đường cấp ba ngày càng xuống cấp trầm trọng. Người dân đi lại khó khăn, bắt đâu có tiếng ì xèo đây đó.

       Những mảnh ruộng hoa màu gần nhà máy, nhiều biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất thải. Một số hộ dân lên tiếng, yêu cầu nhà máy sử lý môi trường. Xây dựng không đồng bộ, bị môi giới mua nhầm dây truyền cũ, lạc hậu họ thanh lý. Vợ chồng Tuấn loay hoay như gà mắc tóc. Xử lý được chỗ nọ, lại xảy ra ở chỗ kia. Mới đầu còn nhắc nhở, sau họ kéo đến, đòi đóng cửa nhà máy. Để yên lòng bà con, và nhà máy tiếp tục hoạt động. Tuấn bàn với vợ, bán chiếc xe của mình đang đi. Lấy tiền mua trang, thiết bị xử lý. Đi làm, anh đã có xe cơ quan.

       Môi trường tạm ổn. Lại xảy ra chuyện xe Trung Quốc chở hàng, đâm chết  trâu hàng xóm. Rồi đường hỏng nặng, cứ thế, cái nọ kéo cái kia ập tới. Tệ hại hơn, khi còn làm bí thư ở xã. Nhiều lần Tuấn chủ trương cắt đất nông nghiệp, cho doanh nghiệp xây dựng, khai thác đá, khai thác lâm sản. Giao mốc chỉ giới không rõ ràng. Dẫn đến doanh nghiệp kiện người dân, người dân kiện doanh nghiệp. Ban kiểm tra huyện ủy, tỉnh ủy, thanh tra các ngành vào cuộc. Tuấn bị khép vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát, thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước, chống lưng, bảo kê cho doanh nghiệp của vợ trốn thuế, sử dụng đất không đúng mục đích và gây ô nhiễm môi trường. Huyện xem xét kỷ luật về chính quyền, về Đảng trình Tỉnh. Đình chỉ chức vụ phó chủ tịch. Cơ quan điều tra vào cuộc. Mức độ vi phạm làm sai nguyên tắc, gây thất thoát tài chính, ảnh hưởng uy tín cán bộ rất nghiêm trọng. Yêu cầu Tuấn bồi thường toàn bộ, mới mong thoát khỏi bị truy tố. Tỉnh ủy, ủy ban liên tục họp, xem xét hình thức kỷ luật thỏa đáng. Tuấn bán hết tài sản, nhà máy, kể cả ngôi nhà đang ở, đền bù, khắc phục hậu quả. Vợ chồng, con cái về quê, trong nỗi lo nơm nớp đêm ngày.

        Càng điều tra, mức độ vi phạm càng lớn. Cơ quan tố tụng tống đạt quyết định, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đối với Tuấn, bắt tạm giam bốn tháng để điều tra làm rõ. Ba tháng tạm giữ, Tuấn tích cực hợp tác khai báo. Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang tòa án. Phiên tòa được mở. Xét mức độ vi phạm, thái độ thành khẩn, tích cực đền bù thiệt hại gây ra. Với thân nhân tốt, vi phạm lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tòa tuyên phạt hai bốn tháng tù giam. Chấp hành án ngay sau phiên tòa kết thúc.

      Hơn hai chục năm không ngó đến ruộng đồng. Nay hàng ngày, lam lũ với con cua, con ốc. Nhan sắc vợ Tuấn suy giảm rõ rệt, những nếp nhăn ngày càng hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ. Chẳng còn như ngày nào, mặt hoa da phấn, xuống ngựa lên xe nữa. Các con cũng đã học xong, nhưng chẳng xin được việc. Chúng rủ nhau đi rửa xe thuê, cho một salon lớn ở Hà Nội. Mẹ con chắt bóp hàng tuần, lấy tiền vào trại tiếp tế cho Tuấn.

      Một ngày tù ngàn thu ở ngoài. Câu nói đó bây giờ Tuấn mới hiểu. Đêm nằm sàn ciment, lạnh buốt. Sáng chiều đi làm, xếp hàng theo đội, có cán bộ quản giáo cầm súng đi kèm. Đã thế, bạn tù người vào trước, có quyền hơn người vào sau. Quyền lực lớn nhất thuộc về đại ca trưởng buồng. Nhà ai tiếp tế, đều qua sự kiểm duyệt của đại ca. Dùng như thế nào, còn do đại ca quyết định. Chứ không phải cứ mang vào, là được dùng cả. Phạm nhân nào gia đình không tiếp tế, bị phạt nặng, không được ăn cơm. Tối đến, phải rửa chân, rửa tay cho sếp.

        Biết Tuấn là cán bộ vào tù, bọn họ thi nhau hành hạ. Nhiều đêm đang ngủ bắt dậy, chạy, nhảy lò cò quanh buồng hàng chục lượt. Có đêm họ bắt hát cho sếp nghe. Chỗ nào hát sai, đại ca cho đàn em dùng dép tông, vả vào miệng, đau lắm. Cán bộ ăn của dân nhiều, tội rất nặng. Phải dạy cho biết, nỗi khổ của dân như thế nào. Người Tuấn gầy rộc đi trông thấy, hai mắt trũng sâu, tóc tai lởm chởm, râu cằm tua tủa. Cắn răng chịu đựng, cố gắng cho tới ngày ra tù. Nhìn Tuấn, chẳng ai nhận ra, ông phó chủ tịch huyện, đạo mạo ngày xưa.

      Do tích cực lao động cải tạo, Đợt ân xá tháng chín, Tuấn được đặc xá trước thời hạn. Nhìn vợ con đón ngoài kia, chân anh như khuỵu xuống. Cán bộ quản giáo ân cần đưa anh ra khỏi trại. Tuấn cảm động không nói lên lời. Trên đường về, anh thấy mình như con chim được sổ lồng. Quãng thời gian chấp hành án, quả là một chuỗi ngày u ám nhất trong đời.

      Ruộng đất, đồi rừng chẳng còn. Con cái chưa công ăn việc làm ổn định. Thời là lãnh đạo, Tuấn chẳng biết nghề nghiệp gì. Giờ xin làm ở đâu cũng khó, dù chỉ chân bảo vệ. Mấy doanh nghiệp ngày xưa Tuấn cưu mang. Có anh phá sản, anh quay lưng lại. Có anh thương tình, cho ít tiền, lấy cớ bận việc, không tiếp.

       Giờ chỉ còn cách chạy xe ôm kiếm ăn thôi. Vợ chồng anh vay mượn, bán con lợn choai. Gom tiền mua chiếc xe Tầu cũ, sang sửa lại, ra đường kiếm khách. Mới làm, không biết luật của cánh xe ôm. Thấy Tuấn đứng đâu là họ đuổi. Đang mặc cả, họ bảo khách của họ, không cho đi. Nhiều hôm từ sáng tối, đánh xe đi, lại đánh về. Dần dần tâm sự, làm quen, họ bớt tranh giành, thậm chí còn nhường khách cho nữa.

      Một hôm, ngang ngôi nhà cũ. Chợt bóng một người đàn bà, trông quen quen. Anh cố nhớ, nhưng chẳng tài nào nhớ nổi. Đôi mắt, cái miệng và dáng người kia. Nó gời gời cho anh, về một người nào đó, rất thân quen, mà rất xa vời. Trả khách rồi, anh quay lại, không thấy người ấy đâu nữa.

      Từ đấy, mỗi khi đi làm, anh thường giong xe qua. Mong sao nhận ra người đó là ai, mà ám ảnh suốt từ bấy đến giờ. Sớm nọ, người phụ nữ từ góc chợ đi ra. Người tiều tụy, khuôn mặt lấm lem, phờ phạc, áo quần nhếch nhác. Mái tóc bù xù, như chưa bao giờ được chải. Nhưng đôi mắt kia, không lẫn vào đâu. Đúng Xuân rồi, tại sao Xuân có thể ở đây chứ ! Chẳng lẽ nhầm chăng, Tuấn tự hỏi. Lượn qua, lượn lại, quan sát thật kỹ. Không, không thể nhầm, sao Xuân đến đúng nhà mình ngày trước. Lục tìm trí nhớ, hóa ra anh đã cho xem Paspo, các loại giấy tờ tùy thân dạo nọ. Lần mang tiền sang chuộc, Xuân bỏ trốn mất rồi. Ai ngờ, Xuân tìm về đây. Giờ Tuấn chạy xe ôm gầy, đen, nhếch nhác. Nếu gặp bây giờ, Xuân cũng chẳng nhận ra, tội cho Xuân quá.

        Giá như bây giờ, còn đương chức, giá như bây giờ, còn tiền của. Chắc sẽ đưa Xuân đến một nơi nào đó. Chu cấp cho Xuân, có một cuộc sống an lành. Nhưng oái oăm thay, anh đã hai bàn tay trắng. Lực bất tòng tâm mất rồi, hàng ngày chạy xe ôm chẳng đủ sống. Nói chi chuyện cưu mang Xuân nữa.

       Tuấn nhắm mắt vèo qua, bỏ lại sau lưng đám khói bụi mịt mù.

                                                                              Việt Trì, 10/9/2016

                                                                                            Đ. P.

  

   

 

  

 

 

 

   

         

 

Gửi ý kiến phản hồi

Họ tên
Điện thoại & email
Nội dung
 
 
 
  Bài viết mới
  Hoạt động đó đây
  Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến 2
Tư vấn tạo web
Hỗ trợ trực tuyến 1
Tư vấn tạo web

BẢN QUYỀN THUỘC HÔỊ KHOA HỌC KỸ THUẬT LÂM NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ

Số 41 đường Nguyễn Tất Thành phường Thanh Miếu thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ

Trưởng ban nội dung: Phùng Văn Vinh. Phó ban Thường trực: Trần Ngọc Cường.
 Chủ nhiêm Website: Bùi Xuân Đại
Điện thoại : 0988.160.868 -  Email : daibui3103@gmail.com