Ba mươi nhăm năm trước, Công ty Phân phối Lâm sản Vĩnh Phú có một đội khai thác gỗ hoạt động trên địa bàn xã Kiệt Sơn và Đồng Sơn. Ban đầu, đội chỉ có vài chục người trực tiếp tham gia sản xuất. Với yêu cầu phát triển rừng bền vững, vừa khai vừa trồng mới tái tạo rừng, ngày 01 tháng 7 năm 1987, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đã ra quyết định thành lập Lâm trường Tam Sơn. Lúc đầu, lâm trường được quy hoạch nằm trên địa bàn 4 xã là Kiệt Sơn, Tân Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn với tổng diện tịch 6.100 héc ta bao gồm có cả rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Nhiệm vụ của Lâm trường hoạt động theo kế hoạch được giao bao gồm hàng năm khai thác 4.000 mét khối gỗ rừng tự nhiên và trồng mới từ 20 đến 60 héc ta rừng cây gỗ lớn bằng nguồn vố cấp của Ngân sách Nhà nước.
Vào năm 1989, nghị định 217/CP được áp dụng và sau đó chỉ thị là 90 về việc đóng cửa rừng dẫn tới việc nhiệm vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên của lâm trường cũng ngừng hoạt động. Trong thời kỳ giao thời này, nhiệm vụ trồng rừng cũng chỉ là trồng rừng gỗ lớn bằng vốn Ngân sách, mỗi năm vài chục héc ta. Lâm trường hầu như tê liệt không có việc làm. Đại đa số cán bộ, công nhân xin nghỉ theo Quyết định 176 của Chính Phủ, một số khác thì nghỉ tự túc đóng bảo hiểm chờ hưu. Lâm trường đứng trước bờ vực phải giải tán nhưng lại không được giải tán, số cán bộ quản lý vẫn phải có lương để tồn tại trong khi đó sản phẩm lâm trường không làm ra, mỗi năm hai, ba chục héc ta trồng rừng bằng vốn Ngân sách thì số tiền cho quản lý phí chẳng bõ bèn gì. Thực sự phải nói đây là thời kỳ Lâm trường nằm ở cuối đường hầm, cực kỳ đen tối và không có lối thoát.
Một cứu cánh cho lâm trường là năm 1993, Nhà nước có chương trình dự án 327 trồng 5 triệu héc ta phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Dự án này giống như một cái phao vớt một người sắp chết đuối lên bờ đã cho lâm trường tồn tại đến năm 1996. Nhưng người sắp chết đuối sống lại thì cũng chỉ là sống lay lắt, dặt dẹo giữ cho tim còn đập, phổi còn thở chứ không thể có những động thái nhanh, mạnh được.
Năm 1996, lâm trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh bàn giao sang Liên hiệp các xí nghiệp Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú. Với cơ chế hoạt động mới, lâm trường có kế hoạch được vay vốn Ngân hàng theo nguồn dự án 264 về vay ưu đãi phát triển rừng nguyên liệu giấy. Cơ chế của thời kỳ này yêu cầu tính tự chủ cao nhưng do cán bộ, công nhân viên sống quá lâu trong cơ chế kinh tế kế hoạch, làm việc thụ động, đối phó đã thành nếp nên năng suất lao động rất thấp. Bình quân mỗi héc ta rừng trồng 7 năm đến cuối chu kỳ khai thác chỉ đạt 30 mét khối trên một héc ta. Đời sống của cán bộ công nhân viên vẫn ở dưới mức nghèo khổ.
Nếu cứ tiếp tục cái đà ấy thì nguy cơ phá sản là không thể tránh khỏi. Năm 1999, Tổng công ty Quyết định sáp nhập ba lâm trường là Tam Sơn, Thạch Kiệt và Thu Cúc vào làm một. Khi sáp nhâp, lâm trường Thạch Kiệt nợ một năm lương và Bảo hiểm xã hội của toàn thể cán bộ công nhân viên, lâm trường Thu Cúc nợ Bảo hiểm xã hội một năm kèm thep lỗ lũy tiến 280 triệu đồng. Kiểm kê rừng bị mất của cả ba lâm trường quy ra thành tiền mất 3 tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ đổ bể ấy, Công đoàn Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú đã cho lâm trường vay 400 triệu đồng trả tiền nợ của cơ quan Bảo hiểm để giải quyết chế độ cho một số cán bộ, công nhân về nghỉ chế độ. Việc sáp nhập tuy không làm cho tài sản của Lâm trường lớn lên thậm chí chỉ có khó khăn, nợ nần chồng chất thêm lên nhưng nó lại tạo ra một sức bật mới. Đó là quỹ đất của cả ba lâm trường cộng lại đã tăng lên đến 11.000 héc ta, trong đó quỹ đất của lâm trường Thạch Kiệt và lâm trường Thu Cúc là rất quý vì đất tốt và gần đường giao thông. Từ thế mạnh về đất, hàng năm lâm trường trồng mới lên đến trên dưới 1.000 héc ta.
Có thể nói, bắt đầu từ khi sáp nhập ba lâm trường năm 1999 là thời kỳ lột xác xóa bỏ cung cách làm ăn cũ để tiếp nhận một phong cách sản xuất, một cách làm mới phù hợp với cơ chế quản lý mới – Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1999 là một cái mốc đáng nhớ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự trưởng thanh và phát triển của lâm trường, là dấu ấn đậm nét sẽ mãi mãi không phai trong tâm khảm của những người cán bộ, công nhân yêu mến đã gắn bó cuộc đời với lâm trường. Kể từ đây, lâm trường đã chủ động, ổn định trong việc xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn vốn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bước đi với những bước vững chắc. Bình quân mỗi năm trồng mới 500 héc ta, khai thác trên dưới 25.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy. Đời sống của người lao động được ổn định tương đương với mức sống bình quân của người lao động cả nước. Ngoài ra, để phục vụ cho nhiệm vụ khai thác gỗ nguyên liệu giấy, lâm trường đã mở mới hàng trăn cây số đường rừng cho xe vận tải chuyên chở gỗ, những con đường này đã trở thành những cung đường dân sinh góp phần phát triển đời sống, kinh tế, văn hóa cho các bản làng vùng sâu, vùng xa.
Sau này, để phù hợp với luật doanh nghiệp, lâm trường được đổi tên thành Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn. Với những kết quả đã đạt được. Năm 2005 Công ty được Chính Phủ tặng bằng khen, năm 2007 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba, năm 2009 là doanh nghiệp tiêu biểu Toàn Quốc, năm 2010 được nhận cúp pha lê “Đảng bộ tiêu biểu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ba mươi nhăm năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng chặng đường đi của lâm trường cũng đã trải qua nhiều gập ghềnh, chìm nổi. Để có được ngày hôm nay, những người đương đại chúng ta trân trọng cảm ơn và ghi nhận công lao của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân đi trước đã mang hết nhiệt huyết và cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển lâm trường.
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cán bộ, nhân viên và công nhân công ty Lâm nghiệp Tam Sơn luôn đoàn kết, thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới, quyết giữ vững, xây dựng công ty ngày càng giàu đẹp hơn. Chúng ta có quyền tự hào vì đã xứng đáng với truyền thống của lịch sử xây dựng, phát triển từ lúc còn là lâm trường Tam Sơn đến khi trở thành công ty Lâm nghiệp Tam Sơn trong suốt ba mươi nhăm năm qua.